Ẩm thực Hà Nội những năm nghèo khó nhưng dạt dào kỷ niệm

Published on 2021-03-02

Kể chuyện ẩm thực Hà Nội thời còn nghèo khó: Dưới tấm mái che tạm bợ, khách khứa ngồi chen chúc, nhắm rượu với đĩa đậu phụ rán non

Dân gian đã có câu truyền tụng ” Ăn Bắc Mặc Kinh”, Người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch,  sành chơi, sành mặc, và đặc biệt rất sành ăn. Vì đó ẩm thực của người Hà Nội cũng thể hiện nét duyên dáng cùng sự tinh tế trong mỗi món ăn, ngay cả trong những năm tháng gian khổ.

Những đặc sản dân dã đất Kinh kỳ

Người Hà Nội có một câu ca nói về những “đặc sản nông nghiệp” vùng Thăng Long và phụ cận thời bấy giờ. Đó là “Dưa La cà Láng nem Báng tương Bần, nước mắm Vạn Vân cá rô đầm Sét”.

Quà quê chân truyền có đậu Mơ, bánh cuốn Thanh Trì, cam Canh, bưởi Diễn, kẹo bột kẹo vừng kẹo dồi Thanh Liệt, cá Đại Kim, hồng xiêm Xuân Đỉnh. Làng Láng có ngọn húng, cọng răm, lát riềng không thể lẫn với những thức trồng nơi khác.

Bánh cuốn Thanh Trì là thức quà dân dã của người Hà thành khi xưa
Bưởi Diễn có vị ngọt đậm, hương thơm dịu mát

Kỷ nguyên cặp lồng, tượng trưng cho sự tiết kiệm do nghèo túng qua đi. Sáng sáng, những anh xe ôm, cửu vạn, người buôn bán nhỏ, công chức thích đánh xôi lúa, xôi xéo cho chặt bụng, bữa trưa đả cơm bụi. Dưới những tấm che tạm bợ, khách ngồi chen chúc, vội vã, đôi khi được chậm rãi nhắm rượu với đậu phụ rán non.

Quán ăn nhỏ, đơn sơ gắn liền với kí ức nhiều người

Các món thường nhắc đi nhắc lại, xoàng là dưa chua, rau luộc, cao cấp là chả xương xông, sườn rán. Cơm đơm ra được đánh vồng hẳn lên cho dôi. Đáng thương nhất là mấy cụ hưu trí, lương đưa cô hàng ngay đầu kỳ kẻo tiêu hết. Chiều về, họ hàng đã dẹp lại, vỉa hè thênh thang ra, một gia đình có thể gọi món, một tay mới trúng quả có thể nhâm nhi thong dong.

Những món ăn dân dã khiến bao nhiêu người hoài niệm về một thời gian khó

Quán ăn đường phố luôn nườm nượp khách

Cơm bụi ăn ngay, ăn nhanh chiếm lĩnh thành phố sống mỗi ngày mỗi hối hả. Cơm nắm có thịt rim hay chỉ muối vừng muối lạc được chào tận nơi. Vào lúc nhớ hương đồng gió nội quá, bà buôn nọ chỉ cần ra chợ mua cua đã giã, bỏ túi ni lông đem về lọc là xong nồi canh đặc gạch. Cá tươi bỏ ruột, pha từng khúc, rửa sạch sẵn sàng. “Khách hàng là thượng đế”, sự chế biến thực phẩm hoàn toàn hoặc một nửa đã chiều được mọi ý thích, mọi túi tiền.

Quán cơm, phở luôn nườm nượp khách

Số người rủng rỉnh tăng lên. Dần dà, thành phố hình thành những địa chỉ “vừa miệng”. Sáng ra khách phong lưu xuống Bùi Thị Xuân ăn bún thang, hoặc từ mạn dưới ngược lên Hàng Vải đánh bát xôi xéo của bà béo làng Mơ.

Món ăn của người Hà Nội, tuy đơn giản nhưng lại mang hương vị mà không đâu có được.

Họ biết những địa điểm, thời khắc ở đâu có gì hay, như bánh khúc ngõ Tràng An chỉ bán sau mười giờ đêm, Tô Tịch, Hàng Hành, Cấm Chỉ, Tạm Thương, Tạ Hiện, thật ra là những ngõ ăn uống. Không hiểu sao dân sành lại cứ thích lọ mọ đi ăn trong ngõ.

Bánh khúc – món quà dẻo thơm, dân dã của người Hà Thành

Người Hà Thành là vậy, họ không chỉ biết ăn no – mặc ấm, mà còn phải ăn ngon – mặc đẹp, biết thưởng thức những gì đẹp nhất. Sự tinh tế của họ không chỉ dừng ở việc khẩu vị ngon mà còn ở việc  món nào “phải” ăn với món ấy, món này phải ăn như thế ấy, mùa này phải ăn món đấy, đôi khi là không được lệch giờ. Nghe có vẻ cầu kì nhưng đó lại là vẻ đẹp là sự cảm nhận của họ đối với những gì thiên nhiên và cuộc sống ban tặng.

Enjoyed this video?
"No Thanks. Please Close This Box!"